Hotline: 0936799329
Từ năm học 2016-2017, gần 2.600 học sinh (HS) Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3, TP HCM) được học thêm một môn học mới là “Thí nghiệm khoa học vui”. Tất cả HS, từ lớp 1 đến lớp 5, tham gia thực hành, trải nghiệm những thí nghiệm hóa học với các dụng cụ và nguyên vật liệu hóa học như chai, lọ, bột ngọt, mắm, muối, nước tương, giấm ăn…
Lớp 1 cũng… làm thí nghiệm
Chị Trang, một phụ huynh HS lớp 4 Trường Tiểu học Lương Định Của, cho biết từ khi tham gia học môn này, con chị tỏ ra hào hứng, về nhà tấm tắc kể về môn học và đòi mẹ mua thêm nhiều nguyên liệu để thực hành. Bé còn đòi mẹ mua bắp cải màu tím, thêm một vài nguyên liệu nữa để làm mực tím cho bút máy theo công thức được giáo viên (GV) hướng dẫn ở trường. “Trẻ con thích được trải nghiệm, mạo hiểm, được sờ tay, trực tiếp làm thì rất háo hức” - chị Trang lý giải.
Theo chị Trang, ban đầu, khi đọc qua những tựa thí nghiệm nghe ghê gớm như “găng tay ma quái”, “địa ngục nổi loạn”, chị không khỏi bất ngờ nhưng khi hỏi con thì bé nói rất thích vì phù hợp tâm lý trẻ thơ, kích thích sự tò mò, khám phá. Thực ra, tên gọi là vậy nhưng chỉ học về muối nở, soda…“Như ở nhà, bé chơi dơ, nghịch đất cát thì mình hay la nhưng với trẻ con, đó là sự trải nghiệm và trẻ nào cũng thích” - chị Trang dẫn chứng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Funex “Thí nghiệm khoa học vui” là chương trình giáo dục của Nhật Bản được thiết kế nội dung học khác nhau nhưng liên thông từ lớp 1 đến lớp 5. Cụ thể, ở lớp 1, mục tiêu là cho trẻ cảm giác vui thích với khoa học trong quá trình tiếp xúc các thí nghiệm khoa học, thúc đẩy HS muốn “làm lại một lần nữa xem thế nào” khi về nhà. Nội dung của chương trình học lớp 1 là những hiện tượng khoa học gần gũi xung quanh như bong bóng xà phòng, sức mạnh không khí, đường và muối…
Đến lớp 2, chương trình không chỉ để trẻ dự đoán kết quả thí nghiệm mà còn thử thách bằng cách để HS tự phân tích kết quả sau khi làm thí nghiệm với các nội dung như không khí và nước, rau và trái cây, ôxy và cácbonic… Ở lớp 3, chủ đề sẽ là “hiện tượng khoa học quanh em” với các nội dung như điện năng, ngọn lửa kỳ diệu, kính hiển vi, núi lửa và động đất… Đến lớp 5 sẽ là thử sức với trải nghiệm khoa học nâng cao tại phòng thí nghiệm chuyên dụng với các nội dung đòn bẩy, âm thanh, ánh sáng…
Thêm trải nghiệm nhưng…
Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn rằng các thí nghiệm này đối với HS ở bậc tiểu học là quá sớm. HS lớp 4 đã phải viết các công thức hóa học thì làm sao trẻ có thể tiếp thu? Ngoài ra, nếu chỉ học cho vui mà mỗi tháng phải đóng thêm 230.000 đồng và phụ huynh còn phải mua các đồ dùng phục vụ cho thí nghiệm thì sẽ tạo thêm gánh nặng.
Theo ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của, tâm lý trẻ em là thích tò mò, khám phá. Nghe tên gọi là thí nghiệm hóa học, nhiều phụ huynh... phát hoảng nhưng thực tế, đó là những thí nghiệm đơn giản với các nguyên vật liệu như nước mắm, muối, nước tương, lá cây, đường, dầu ăn… Ông Tuấn cho biết HS rất thích thú với những trải nghiệm sáng tạo của môn học này. Thậm chí, có phụ huynh là kỹ sư hóa học, có phòng thí nghiệm nhưng không dám cho con vào. Đến khi con được học ở trường thì về nhà, phụ huynh này đã mạnh dạn trao đổi những kiến thức liên quan.
Trước ý kiến băn khoăn học phí môn học là 230.000 đồng/tháng, ông Từ Quốc Tuấn cho hay học phí bao gồm chi phí trả cho GV, dụng cụ thí nghiệm, nguyên vật liệu, đầu tư phòng thí nghiệm… Theo ông, đây là môn học trên tinh thần tự nguyện, những em không học vẫn có GV phụ trách trông giữ và giảng dạy. Ông Tuấn cho rằng lâu nay, HS của chúng ta vốn thiệt thòi vì không có môi trường trải nghiệm để phát huy và bộc lộ năng khiếu sáng tạo. Trong khi đó, HS ở các quốc gia khác được trải nghiệm và ươm mầm từ nhỏ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện TP HCM có 2 trường tiểu học thực hiện chương trình này là Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận 10) và Trường Tiểu học Lương Định Của. Tuy nhiên, Trường Võ Trường Toản mới chỉ thực hiện ở lớp 1 do điều kiện về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm… chưa đáp ứng.