Hotline: 0936799329
* Phóng viên: Chưa năm nào phim của VFC nhận được phản hồi tốt như năm nay, không chỉ ở dòng phim chính luận mà ngay cả ở các phim giải trí. Anh nghĩ sao về điều này?
-Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Đây là kết quả của một quá trình chuẩn bị sau nhiều năm của đội ngũ làm phim ở VFC, đặc biệt phải kể đến sự quyết tâm lớn mang tính cạnh tranh quyết liệt với các đơn vị làm phim xã hội hóa và cách điều chỉnh sáng tác sao cho phù hợp với khán giả truyền hình cả nước của chúng tôi. trong xu hướng các nhà tổ chức chương trình giải trí hiện nay đều sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn mua bản quyền và công nghệ sản xuất từ nước ngoài, phim truyền hình Việt muốn phát triển và thu hút được khán giả phải lấy chất lượng nội dung, bản sắc văn hóa, xã hội và con người Việt làm yếu tố cốt lõi. Đồng thời cũng phải nâng dần các hình thức thể hiện, cái gì hay mà cũ cũng khó giữ được sự hấp dẫn lâu dài.
* Điều gì thôi thúc VFC quyết định đầu tư vào những dự án lớn như Hai phía chân trời, sau đó là Trò đời, bởi ai cũng biết làm những bộ phim như vậy không hề đơn giản?
-trước hết, đó là đòi hỏi tất yếu để chúng tôi phát triển và tiếp tục khẳng định uy tín, thương hiệu của một đơn vị làm phim đã được gây dựng bởi nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng. Sau nữa, các dự án phim như vậy đã kích thích lòng yêu nghề, sự say mê sáng tạo cho đội ngũ làm phim ở VFC. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, có quá nhiều đơn vị tham gia làm phim, sẵn sàng bỏ qua tính chuyên nghiệp, vì lợi nhuận thì việc tạo ra các dự án phim quan trọng để anh em say mê làm nghề là rất quan trọng.
* Sau Hai phía chân trời là dự án làm phim về chí sĩ Phan Bội Châu với 70% thời lượng quay ở nước ngoài, tiếp theo là một dự án làm phim ở nước ngoài khác, hình như VFC có vẻ đang phát về đường “Tây tiến”? Làm phim ở nước ngoài có phải chịu nhiều áp lực?
-Việc mở rộng bối cảnh và không gian làm phim, thậm chí ra nước ngoài sản xuất, là hướng đi mà chúng tôi chờ đợi lâu nay nhưng bây giờ mới có điều kiện để thực hiện. Các dự án này như những bước đi đầu tiên giúp chúng tôi đến gần hơn việc sản xuất và trao đổi bản quyền phim với các nước, ít ra là trong khu vực. Nhưng muốn vậy, các bộ phim phải đạt một mức độ chất lượng nhất định. Việc triển khai các dự án phim ở nước ngoài hoặc liên kết sản xuất vừa là cơ hội vừa thách thức cần thiết cho VFC để tạo nên sự phát triển mới.
* Không chỉ đầu tư cho phim chính luận, gần đây là phim giải trí, VFC hiện còn đầu tư cho cả phim cổ trang. Bước tiếp theo nữa của VFC trong năm 2013 là gì?
-Chúng tôi không kỳ vọng sẽ làm tốt được nhiều việc cùng lúc nên trước mắt, sẽ tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai. Năm 2013, VFC tiếp tục chú trọng vào chất lượng nội dung và đi vào sản xuất đồng bộ tiền kỳ, hậu kỳ đạt chuẩn HD. Đồng thời, chúng tôi sẽ cố gắng để sớm có được một phim trường phục vụ cho sản xuất phim chuyên nghiệp.
Hiện nay, VFC đang được đầu tư lớn cả về cơ sở vật chất và chuyên môn nghề nghiệp để trở thành một đơn vị sản xuất phim và chương trình truyền hình mang tính chuyên nghiệp cao, đồng thời phải tạo ra cả giá trị thương mại. VFC lại có sẵn đội ngũ làm nghề giỏi nên ngoài việc sản xuất phim truyền hình, VFC đã và đang tạo ra giá trị thương hiệu cho những chương trình lớn như Táo quân, VTV new year concert (Chào 2013).
* Mười năm qua, Táo quân luôn là chương trình hấp dẫn nhất của VTV, cho dù luôn có những so sánh về độ hấp dẫn của chương trình năm sau, năm trước. Trong suốt 10 năm, có khi nào anh thấy nản vì sự kỳ vọng quá lớn của khán giả mà mình không đáp ứng được?
-Đây là chương trình rất được khán giả mong chờ nên áp lực từ sự kỳ vọng của khán giả là đương nhiên, đi kèm đó là mong muốn chương trình phải luôn hài hước hấp dẫn, luôn sâu sắc… tuy nhiên, với hành trình 10 năm qua, điều tôi thấy áp lực nhất chính là từ nghệ sĩ tham gia. Họ đều là những nghệ sĩ có tài, giỏi nghề và có uy tín nhất định trong lòng khán giả nên bản thân họ không chấp nhận một sản phẩm kém chất lượng. Vì vậy, chúng tôi phải xoay trần với nhau thâu đêm liên tục cả tháng cũng chỉ vì sự tự trọng nghề nghiệp.
* VFC có không ít đạo diễn trẻ và dường như các đạo diễn này đều được giao thực hiện những dự án làm phim dài hơi. Có phải từ kinh nghiệm cuộc đời mình, anh mạnh dạn tin tưởng lớp trẻ?
-tôi nghĩ đây là sự tự nhiên do nhu cầu phát triển. trước đây, một đạo diễn được giao phim cũng phải ngoài 40 tuổi, đến thế hệ tôi thì khoảng 24-25 tuổi mới được giao làm 1-2 tập phim đầu tay. Bây giờ, một đạo diễn trẻ nếu bảo vệ được ý tưởng và phương cách sản xuất, chỉ cần sau khi làm tốt 1 hoặc 2 phim ngắn, họ có thể được giao làm phim dài tập. Điều quan trọng là khi giao phim, chúng tôi biết phải quan tâm và hỗ trợ những gì cần thiết cho họ, tùy mỗi đạo diễn sẽ có những cách thức khác nhau. Bởi vậy, VFC cũng bắt đầu hình thành những vị trí nhà sản xuất và quản lý dự án phim thực sự có nghề và kinh nghiệm, đây là những chức danh mà giai đoạn trước không có.
* Nếu có một điều ước cho riêng mình, anh sẽ ước gì?
-Chắc là tôi sẽ ước một ngày có nhiều hơn 24 giờ.