Hotline: 0936799329
Trong khi sân khấu cải lương vẫn đang gặp khó khăn thì chương trình phim truyện cải lương, phát sóng trên HTV9, lúc 20 giờ 50 vào mỗi tối thứ tư hằng tuần, đã bắt đầu thu hút người xem.
Mới lạ, hấp dẫn hơn
Qua các vở: Cho trọn tình đầu (tác giả Tô Thiên Kiều), Lòng mẹ (tác giả Kinh Luân), Mẹ tôi (tác giả Diệu Nga), Một nửa thiên đường (tác giả Nguyễn Thu Phương, chuyển thể Tô Thiên Kiều), Sông mê (tác giả Kinh Luân)... người xem ít nhiều đã cảm nhận được sự mới, lạ của phim cải lương trên sóng truyền hình.
Khác với công nghệ sản xuất video cải lương, thu tiếng trước thu hình sau, diễn viên xuất hiện trước ống kính như những con rối vô cảm, phim cải lương được ứng dụng công nghệ thu tiếng trực tiếp nên diễn viên diễn có cảm xúc thật hơn trong từng câu thoại, từng tình huống kịch và nhất là sự giao lưu giữa các nhân vật trở nên sống động hơn. Khán giả yêu thích cải lương đã có được sự cảm nhận sâu sắc trước cách dàn dựng mới lạ, chắc gọn của ê kíp thực hiện chương trình. Với công nghệ mới này, phần thu tiếng lời thoại được thu trực tiếp tại trường quay, phần ca dù được thu thanh trước nhưng do nghệ sĩ đã chịu khó học tuồng, cảm nhận nhân vật trực tiếp nhờ phần thu sống lời thoại nên đã khắc phục được nạn “tiếng hát một đằng, miệng nhép một nẻo”.
Công nghệ thu lời thoại trực tiếp còn đặt lên vai diễn viên trách nhiệm phải tập tuồng trước khi quay. Xem vở Mẹ tôi (phát tối 6-8), thấy các diễn viên Lê Hồng Thắm (vai Diệp), Vương Tiểu Long (vai Đương), Diễm Thanh (vai Thương) đã tạo được dấu ấn mới so với nhiều vở diễn trước đây trên sân khấu. Họ đã diễn tự tin hơn, tính cách nhân vật sáng đẹp hơn và gần với cuộc sống đời thường hơn. Hoặc trong vở Lòng mẹ, các diễn viên Ngọc Tuyền (diễn viên Đoàn cải lương Văn Công Đồng Tháp – HCV Trần Hữu Trang), Hoàng Quốc Thanh, Hoài Nam đã được khán giả chú ý bởi sức sáng tạo vượt bậc của họ, bên cạnh những gương mặt nổi tiếng, như Thanh Ngân, Trọng Hữu, Ngân Tuấn...
Đẩy nhanh tiết tấu, bớt rề rà
Nếu thay phần lời ca bằng các câu thoại thì các phim cải lương này có thể được xem như phim truyện truyền hình. Điều khiến cho ê kíp thực hiện có thể thuyết phục được nghệ sĩ tham gia chương trình này chính là hầu hết các kịch bản được chọn dàn dựng đều mới. Nghệ sĩ Phước Sang, người tổ chức thực hiện chương trình này, cho biết: “Hiện chúng tôi đã có gần 20 kịch bản cải lương mới. Đó có thể là những câu chuyện phóng tác từ những sự kiện xảy ra trong đời sống hằng ngày, từ tác phẩm văn học, nhưng chắc chắn phải mới, phải chứa đựng hơi thở cuộc sống. Chúng tôi chủ trương đẩy nhanh tiết tấu, tránh rề rà theo kiểu video cải lương, cộng với cách làm như phim truyền hình nên chương trình bước đầu đã cuốn hút người xem”.
Tuy nhiên, với áp lực mỗi tuần phải có một vở diễn mới, chỉ sau vài số đầu, chương trình đã phải cắt vở diễn thành hai hoặc ba tập (100 phút/tập). Việc kéo dài thành nhiều tập đã không khơi gợi sự thích thú của người xem, vì cải lương khác với phim truyện, phải nuôi cảm xúc ngay từ giây phút đầu tiên và phải đi hết câu chuyện mới có thể cảm nhận được giá trị của vở. Đằng này, phải mất một tuần sau, khán giả mới được theo dõi phần tiếp theo. Tác giả Tô Thiên Kiều, cây bút chủ lực của chương trình này, tâm sự: “Làm được như yêu cầu của khán giả là rất khó, vì câu chuyện cải lương có nhiều tình huống, nhiều mối quan hệ. Cắt ngắn thời lượng còn 100 phút đã là một áp lực đối với chúng tôi”. Tuy nhiên, nhờ được cắt gọt vở diễn theo thời lượng 100 phút nên tiết tấu phim được đẩy nhanh, không còn những cảnh rề rà, lê thê như các vở diễn trên sân khấu hoặc trong video cải lương.
Tham vọng làm phim cải lương nhiều tập, thu được quảng cáo như phim truyện truyền hình đang nung nấu những người thực hiện chương trình. Và nếu điều đó trở thành hiện thực thì đây sẽ là một trong những mảnh đất tốt để nuôi dưỡng và phát triển nghệ thuật cải lương.