Hotline: 0936799329
Ông Đỗ Hữu Khoa, Chủ tịch khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại TP.HCM chia sẻ: “Tâm lý chuộng bằng cấp khiến thí sinh có học lực trung bình vuột mất các cơ hội có khi tốt hơn là vào bằng được đại học. Nếu các em giỏi thì vào ĐH-CĐ là điều tốt, nhưng khi khả năng không đủ thì nên chọn bậc học vừa sức. Chỉ cái gì phù hợp với mình thì mới có thể phát huy mạnh mẽ được”.
Băn khoăn của hầu hết các thí sinh học nghề là đầu ra. Nhiều thí sinh lo lắng bằng học nghề sẽ bấp bênh khi tìm việc. Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) khẳng định: Cơ hội việc làm cho các học viên nghề sau khi tốt nghiệp "rộng cửa", bởi nhu cầu của doanh nghiệp cần tuyển số lượng lớn thợ lành nghề và thạo việc. Trong quá trình học do có thời gian thực hành, đứng máy, trực tiếp sản xuất... nhiều nên tay nghề của đối tượng này khá vững, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Đối với người học nghề, cơ hội việc làm không những rộng mở mà thu nhập cũng không kém cạnh cử nhân. “Trong giai đoạn hiện nay, nếu làm việc giỏi, có những ngành nghề mà nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng trả cho các em mức lương khởi điểm 5 - 7 triệu đồng” - ông Phạm Như Nghệ khẳng định.
Anh Phan Văn Bá (26 tuổi, Hà Tĩnh), hiện là là ông chủ của hai cửa hàng mua bán và sửa chữa điện thoại di động cho biết: “Năm 2007, anh thi vào Trường ĐH Công nghệ thông tin, ngành Kỹ thuật phần mềm. Kết quả thi được 19 điểm vẫn trượt đại học. Tuy nhiên, với số điểm đó, anh có thể xét tuyển nguyện vọng 2 vào nhiều trường ĐH khác, nhưng vì mê điện tử, anh xin phép bố mẹ theo học nghề”. Ai cũng chê “thợ” nhưng niềm đam mê máy móc giúp Bá theo đuổi đến cùng chọn lựa của mình. Được gia đình đồng ý, Bá quyết định học nghề Sửa chữa điện thoại di động. Sau gần 4 năm kinh doanh, với thu nhập 40 triệu đồng/tháng, Bá đã có thể “sống khỏe” với nghề.